Kinh tế VN năm 2016 – Năm của hội nhập

Năm 2015, VN đã ký tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hòa nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nên có thể nói năm 2016 là năm hội nhập của nền kinh tế VN.

Hòa vào “sân chơi” lớn

TPP có 12 nước tham gia, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và VN. Hiệp định TPP là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định.

Đối với VN, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo thuận lợi lớn đối với xuất khẩu của ta. Các ngành dệt may, giày dép, thủy sản… sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu.
Các nước TPP chiếm tới 40%

GDP và 30% thương mại toàn cầu, bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Vì vậy, khi tham gia TPP, VN có các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Về thể chế, tham gia TPP là cơ hội để VN tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường; hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học.

Về xã hội, tham gia TPP tạo ra các cơ hội nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo, từ đó, VN có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, sự kiện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức đánh dấu cho quá trình tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối cơ sở hạ tầng, mở cửa thị trường lao động. ASEAN được đánh giá là thị trường phát triển sôi động với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014. VN khi tham gia vào đây cũng đứng trước cơ hội lớn khi được tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối.
Cơ hội đi liền với thách thức

Giới chuyên gia đánh giá việc tham gia các hiệp định và “sân chơi” kinh tế nêu trên sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tăng doanh thu, nâng cao năng lực sản xuất. Ký được hiệp định đã khó, nhưng bước đường triển khai hiệp định còn nhiều chông gai hơn bởi DN Việt có quá ít thông tin và bản thân DN Việt vẫn bị động trước cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Không chỉ thiếu thông tin, năng lực cạnh tranh thấp là rào cản chính khi “ra biển lớn”. Trong khi DN trong nước bình chân như vại thì DN nước ngoài hồ hởi với FTA. Nếu không tăng năng lực cạnh tranh, khi tự do hóa hoàn toàn, “miếng bánh lớn” thị phần sẽ thuộc về DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chứ không phải DN trong nước.

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, đây là thời điểm VN chơi với các đối tác lớn trên thế giới. DN nên chấp nhận với tinh thần đó, bởi đây là cơ hội có một không hai được chơi với những người tốt nhất.

Tạp Chí Cao Su